Có lẽ đây là bài viết cuối cùng của mình trong loạt bài viết về chủ đề môi giới bất động sản. Cũng có thể là sự thật về nghề môi giới bất động sản mà có người không muốn nghe. Nhưng thực tế là vậy và nó cũng giải thích tại sao ngày càng có nhiều người tham gia vào nghề môi giới bất động sản đến vậy, và cũng tại sao lại nhiều người có ác cảm với môi giới và gọi là cò mồi, hay cò đất…. Càng biết rõ bản chất của công việc môi giới bất động sản thì chúng ta càng dễ ứng phó và thích nghi với nó hơn.

Không có ngành nghề nào mà cầu vượt quá cung và người thâu tóm giá thị trường không phải là người bán, cũng không phải là người mua mà là môi giới trung gian.

Chủ nhà: Chị đang có căn nhà muốn bán, em biết ai cần mua giới thiệu cho chị nha! Chị đang tính bán giá 1 tỷ 900 triệu.

Môi giới A: Sao chị bán rẻ thế? em sẽ bán cho chị được 2 tỷ. Có ai hỏi thì chị cứ báo là 2.1 tỷ cho em nhé. Em chỉ thu của chị 100 triệu thôi. Cả chị với em đều có lợi.

Môi giới B: Chị cứ để đó cho em, em sẽ bán cho chị và mang về cho chị 1 tỷ 900 còn giá chênh bán được bao nhiêu thì em xin chị nhé?

Chủ nhà: Ok em, em cứ bán đi. Có gì chị không để em thiệt đâu!

Môi giới C: Sao chị bán đắt vậy, nhà chị thì chỉ bán tầm 1 tỷ 8 là tối đa thôi, còn khách nào ưng thì 1 tỷ 7 chị bán cho nhanh.

Chủ nhà: Không được em ạ, 1 tỷ 7 thì chị tự bán được rồi cần gì tới em, có khách trả chị 1 tỷ 8 chị còn chưa bán, còn mấy bạn môi giới kia còn rao cho chị hơn 2 tỷ kia kìa. Bye bye em!

Môi giới bất động sản với… chủ nhà

  1. Chủ nhà và môi giới bất động sản có quan hệ rất khăng khít với nhau. Môi giới cần chủ nhà để có nhà mà bán còn chủ nhà cần môi giới để bán được nhà cao hơn và nhanh hơn. Bán thấp hơn thì cần môi giới làm gì. Còn môi giới mà bán giá thấp hơn thì có chủ nhà nào muốn bán qua môi giới không. Bên cạnh đó, càng nhiều môi giới thì cạnh tranh giữa các môi giới với nhau để lấy lòng được chủ nhà lại càng cao. Mà điều gì giúp các môi giới cạnh tranh với nhau để lấy lòng chủ nhà? Đó là bán nhà giá cao hơn cho chủ nhà. Thế nên càng nhiều môi giới tham gia vào, giá nhà càng bị đẩy lên cao.
  2. Ai là người quyết định giá? Người đầu tiên phải nói tới là chủ nhà, họ là người đầu tiên đưa ra giá sàn và giá sàn này theo bạn nghĩ thì có phải là giá thực của thị trường? 99% không phải là giá thị trường mà là giá cảm tính, giá mong muốn, hay giá có lợi nhuận so với lúc họ mua vào. Tiếp đến là môi giới, chẳng có môi giới nào đem ra giá thấp hơn giá chủ nhà mong muốn cả vì đem ra giá thấp hơn thì không có chủ nhà nào cần tới môi giới nữa. Do đó người làm giá thứ 2 là môi giới bất động sản. Và tất nhiên không phải là một môi giới mà có cả một đội quân môi giới. Chính vì thế mà có trường hợp cùng một căn nhà nhưng bạn sẽ thấy có môi giới rao 1 tỷ 8 có môi giới rao 1 tỷ 850 và cũng có môi giới rao 1 tỷ 9. Còn môi giới nào rao 1 tỷ 7 thì các đồng môn sẽ nhảy vào và đuổi khỏi cuộc chơi ngay lập tức 🙂
  3. Vậy liệu có môi giới nào có tâm không? Xin thưa là tâm thì ai cũng có thừa nhưng giá thì lại không bao giờ để thiếu. Nếu môi giới có tâm và cố gắng thương thảo giá xuống cho bạn thì chủ nhà không thích điều đó và không cho họ bán nữa. Lúc đó họ sẽ không có nhà mà bán cho bạn. Mà sự thật của nghề môi giới là cung luôn luôn thiếu còn cầu thì đầy ra. Người có nhu cầu mua nhà rất rất nhiều nhưng nhà đáp ứng được tài chính và nhu cầu khách thì rất rất ít. Thế nên giá nhà cứ thế mà tăng lên theo cấp số nhân.

Xét về mọi khía cạnh thì người bán nhà và môi giới luôn luôn có lợi còn người mua nhà luôn luôn bị thiệt. Nhiều người cứ nghĩ rằng tiền đó là tiền của chủ nhà cho môi giới nhưng thực chất là tiền từ người mua nhà. Nếu bạn mua nhà không qua môi giới thì tiền đó sẽ được chủ nhà giảm trực tiếp cho bạn và bạn không mất còn nếu qua môi giới thì bản chất chủ nhà lấy hộ tiền cho môi giới từ bạn.

Thế nên đội ngũ môi giới bất động sản càng ngày càng đông là vậy. Đông vì nhu cầu mua nhà rất nhiều trong lúc nhà bán rất ít (cầu lớn hơn cung). Đông vì chỉ cần biết chủ nhà là có ngay khách mua nhà, không cần qua đào tạo hay chứng chỉ gì hết, già trẻ lớn bé nông thôn thành thị làm được hết. Đông vì cái khoản % hoa hồng quá lớn so với đi làm công ăn lương. Đông vì còn bảo vệ nhau nữa chứ, ai đó mà chỉ trích môi giới bất động sản hay làm giá thấp thì coi như cả chợ sẽ xông vào không thương tiếc. Có nguyên một hiệp hội môi giới bất động sản để bảo vệ nhau và các hội nhóm bất động sản thì không ngừng tuyển người để mở rộng đội quân cho mình. Có mất gì đâu mà có thêm đồng đội 🙂

Môi giới bất động sản với….người đi mua nhà

Nhiều người đi mua nhà nghĩ rằng thôi thì công sức môi giới bỏ ra đi tìm nhà cho mình thì mình trả cho họ một ít cũng không sao. Điều đó đúng và nên như thế! Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản là tiền công mà nhiều lúc rất khó để bạn mua được một căn nhà một khi thông qua môi giới. Ví dụ chủ nhà muốn thu về 1 tỷ 8 nhưng vì bạn thông qua môi giới nên chủ nhà phải bán giá 1 tỷ 8 + tiền hoa hồng trả cho môi giới. Mà lại không phải chỉ một môi giới mà nhiều lúc còn thông qua nhiều môi giới nữa (gọi là qua nhiều cầu), do đó, chủ nhà không thể bán với mức giá 1 tỷ 8 cho bạn nếu bạn qua môi giới. Còn nếu bạn mua trực tiếp từ chủ nhà thì tất nhiên bạn sẽ mua được với giá 1 tỷ 8. Do đó có nhiều trường hợp chủ nhà bán cho khách khác giá rẻ hơn mà bạn không biết lý do tại sao, đó là vì họ mua trực tiếp chứ không qua môi giới.

Không thể phủ nhận được cái tốt của môi giới bất động sản là tìm kiếm và mang lại thông tin cho bạn, họ có thông tin căn nhà miếng đất cần bán, thông tin chủ nhà… còn giá thì như mình đã nói ở phần trên nhé. Nên người mua khôn ngoan cần thời gian tìm hiểu thị trường. Đừng mua ngay khi bạn có ý định vì môi giới sẽ cố thuyết phục bạn mua căn nhà, miếng đất họ có thông tin còn việc nó hợp với bạn hay không thì hên xui. Do đó có gì họ sẽ giới thiệu nấy nên hãy dành thời gian đi xem, đi nghiên cứu và sau thời gian bạn sẽ biết được giá thị trường là bao nhiêu.

Còn nếu bạn có nhiều thời gian và khôn khéo hơn thì bạn hãy tập trung vào một khu vực cần tìm cụ thể, trực tiếp tới khu vực đó, tìm và hỏi người dân ở những nơi bạn cần mua, sau đó xin thông tin của chủ nhà thông qua hàng xóm. Liên hệ làm việc trực tiếp với chủ nhà, giá thị trường bạn đã nắm vững, bạn có thể thương thảo với chủ nhà để mua được giá cả hai bên hài lòng. Không qua môi giới bất động sản.

Còn nếu bạn không thích hội môi giới bất động sản thì có thể thấy thông tin họ đăng đầy trên mạng với địa chỉ, hình ảnh của căn nhà, lô đất, bạn chỉ cần mất thời gian đi tìm căn nhà đó và hỏi hàng xóm thông tin chủ nhà. Vậy là xong :-))

Môi giới bất động sản với…. nhà đầu tư

Nhà đầu tư cũng là một trong những bộ phận góp phần tăng giá thị trường. Ở đâu có môi giới bất động sản thì ở đó có nhà đầu tư đi theo vì mục đích của nhà đầu tư là mua đi bán lại và ai là người dẫn nhà đầu tư đi mua và ai là người giúp nhà đầu tư đi bán? Đó không ai khác mà chính là đội ngũ môi giới bất động sản. Và ai là người được lợi? Đó là cả nhà đầu tư và cả môi giới. Còn ai là người trả tiền cho cả hai đội quân đó? Đó là người mua nhà thực sự để ở. Vậy tại sao họ vẫn luôn luôn tồn tại được? Lý do đơn giản như đã nói ở trên là cầu luôn luôn cao hơn cung nên giá nhà đất vẫn luôn luôn đi lên. Chỉ trừ trường hợp hiếm hoi là lúc bạn mua vào thời kỳ bong bóng bất động sản hoặc mua với giá quá cao thì mới không tăng được nữa.

Bản chất của nghề môi giới bất động sản là vậy. Càng hiểu về bản chất của nó thì bạn càng nhận thức được công việc của mình sẽ làm. Điều này sẽ giúp cho người đi mua nhà thông minh hơn, người bán nhà cũng bán được giá cao hơn và bán nhanh hơn, còn các bạn môi giới bất động sản sẽ nắm bắt được những cơ hội cũng như tìm được chỗ đứng của mình trong nghề nếu bạn thực sự hiểu về nó.

Môi giới bất động sản cần làm gì?

Hiểu rõ được bản chất của nghề nghiệp, bạn sẽ thấy ngay cơ hội là cái nghề này sẽ không bao giờ thiếu việc để làm vì cầu luôn luôn nhiều hơn cung. Bạn cũng đừng có băn khoăn về cái tâm của mình mà hãy làm điều đúng đắn nhất. Hãy biết kiềm chế lòng tham, đừng để nó đi quá giới hạn cho phép. Hãy biết giúp đỡ đồng đội vì họ là hàng rào bảo vệ cho chính mình. Và nếu như đội quân đó có thể làm giá lên thì cũng không khó để có thể làm giá xuống. Đôi lúc cũng cần cho khách hàng biết rằng bạn đứng về phía của họ.

Còn để trở thành một môi giới bất động sản tốt thì điều đầu tiên, tất nhiên là cần nắm rõ được mục đích của người bán cũng như nhu cầu chính xác của người mua. Tại sao người bán cần bán căn nhà, miếng đất đó, họ có cần bán gấp hay không? Những điểm tốt và điểm không tốt của căn nhà, miếng đất đó? – Đừng bao giờ giấu giếm những điểm xấu của nhà vì người mua có thể dễ dàng nhận ra và lúc đó thì niềm tin của họ dành cho môi giới sẽ không còn nữa. Đối với người mua thì môi giới bất động sản cần phải nắm rõ tới từng chi tiết về yêu cầu của khách hàng và tâm lý của họ. Họ mong muốn thế nào, họ thích thế nào, tiêu chí nào là quan trọng nhất và không thể thay đổi, những tiêu chí nào có thể thay đổi, và mức giá họ sẽ sẵn sàng mua ngay là bao nhiêu? Và nên nhớ đừng bao giờ nói câu “Không có đâu!” với người mua vì họ sẽ tự mình chứng minh cho bạn thấy điều ngược lại hoặc sẽ rời bỏ bạn tìm đến với người khác.

Cầu luôn luôn vượt cung nên nếu có sự kiên trì và năng động trong công việc thì chắc chắn nghề môi giới bất động sản sẽ mang lại cho bạn những cơ hội và thu nhập mà không phải nghề nào cũng có được. Hãy nắm rõ bản chất của nó và tìm một chỗ đứng dành riêng cho bản thân trong cái thị trường này nhé.

Xem thêm: Hiểu thế nào là sàn bất động sản và tại sao lại có những mức phí khác nhau

Chúc các bạn thành công với nghề môi giới bất động sản!